Có gì ở 4 chợ đêm nổi tiếng ở Đài Loan?
Du lịch Đài Loan từ ngày 6 đến 12/5, Nguyễn Trần Hiếu, 28 tuổi, TP HCM đã thăm 4 chợ đêm nổi tiếng của Đài Loan là Raohe (Nhiêu Hà, TP Đài Bắc), Jiufen (Cửu Phần, TP Tân Bắc), MiaoKou (Miếu Khẩu, TP Cơ Long) và Ximending (Tây Môn Đinh, TP Đài Bắc).
Tại chợ đêm Nhiêu Hà, một trong những chợ đêm lâu đời nhất của Đài Loan, Hiếu tìm đến các quán ăn trong danh sách Bib Gourmand (món ngon, giá phải chăng) của Michelin gợi ý. Khu chợ dài khoảng 600 m, nằm gần ga tàu Tùng Sơn, TP Đài Bắc. Lối vào là cổng tam quan trang trí rực rỡ, cũng là điểm check in nổi bật của khu chợ này. Nằm bên cạnh chợ là cung Từ Hựu, trung tâm tín ngưỡng của người dân địa phương.
Ngay cạnh cổng tam quan là quầy hàng tên Fu Shou Shi Zu bán món bánh nướng hồ tiêu. Cửa hàng có tên trong danh sách Bib Gourmand của Michelin 4 năm liên tiếp, từ 2018 đến 2021.
Bánh có kích thước giống bánh tiêu Việt Nam, hình tròn, to bằng lòng bàn tay, nhân thịt bò ướp tiêu, vỏ màu nâu vàng và có rắc hạt vừng trên trên bề mặt. Bánh được đặt dính vào thành trong của lò khi nướng để có lớp đáy cháy xém một chút. Sau khi thưởng thức, Hiếu nhận xét phần nhân thơm nồng mùi tiêu, thịt bò dai và ngọt. Một chiếc bánh có giá 60 tân Đài tệ, khoảng 48.000 đồng.
Mãng cầu sữa, đặc sản nổi tiếng của chợ đêm Raohe có giá khoảng 500.000 đồng một quả. Người bán cho biết loại quả này được tưới bằng sữa tươi.
Gọi phần nửa quả với giá 240.000 đồng, Hiếu nhận thấy mãng cầu nồng mùi sữa bò tươi, vị ngọt, béo ngậy, "có cảm giác giống như ăn sữa phiên bản đặc hơn".
Du khách có thể thưởng thức một số món ăn nổi tiếng của chợ đêm Raohe như cơm thịt heo băm, canh lòng bò, sườn heo hầm thuốc bắc, mì sợi hàu tươi, đầu vịt Đông Sơn. Các món ăn vặt như tào phớ, mực nước, lạp xưởng nướng, kẹo hồ lô. Trong khu chợ đa dạng đồ dùng sinh hoạt, trang sức dân tộc và hàng mỹ nghệ, du khách có thể mua làm quà lưu niệm.
Ghé thăm chợ đêm Jiufen (Cửu Phần) tại làng cổ Cửu Phần ở quận Thụy Phương, TP Tân Bắc, cách Raohe khoảng 35 km, Hiếu choáng ngợp với sự náo nhiệt và đông đúc nơi đây. Phố Jishan (hay còn gọi phố Tối) là con phố nhộn nhịp nhất, bất kể ngày đêm. Khu vực không bao giờ nhìn thấy nắng và thường chật kín người, đặc biệt là vào cuối tuần và ngày lễ. Con phố được thắp sáng chủ yếu bởi đèn lồng và ánh sáng từ các hàng quán. Ở đây nổi tiếng với loại trà đặc sản olong Alishan, các cửa hàng đồ ăn khô và nhiều món ăn vặt địa phương.
Các con đường đông đúc khác quanh khu Cửu Phần gồm Cingbian, Ciche và Jianci. Chợ mở cửa ngày thường 8h - 19h và đến 22h trong 3 ngày cuối tuần.
Đến bất kỳ chợ đêm nào, du khách cũng có thể thưởng thức bánh trứng, đặc sản Đài Loan. Ở Jiufen, Hiếu gọi một phần đủ topping với giá 150 tân Đài tệ (khoảng 120.000 đồng). Bánh mới ra lò nóng hổi, xốp, mềm, thơm ngọt. Bánh có nhiều vị ăn cùng như kem matcha lạnh, đậu đỏ và kem tươi.
Bị thu hút bởi một cửa hàng kem đậu phộng trên phố Tối, Hiếu mua một suất với giá 50 tân Đài tệ, khoảng 40.000 đồng. Người bán trải một lớp bánh tráng dưới cùng, thêm hai viên kem vào giữa, rắc kẹo lạc bào nhuyễn xung quanh và rắc thêm hành, ngò tươi rồi cuốn lại.
Lần đầu tiên ăn kem cùng hành, ngò tươi, Hiếu thấy "ngon hơn tưởng tượng". Vị béo của đậu phộng kết hợp với hương thơm của hành ngò, bánh tráng dai nhẹ tạo nên món kem "hoàn hảo". Ngoài chợ đêm Jiufen, anh chưa thấy hàng quán nào bán món này. Du khách nên thử thưởng thức nếu đến đây, Hiếu nói.
Chợ đêm thứ ba khách Việt ghé thăm là điểm du lịch nổi tiếng ở TP Cơ Long - MiaoKou (Miếu Khẩu). Chợ nằm quanh chùa Dianji, trải dài từ trung tâm đường Ren 3 đến đường Ai 3 và đường Ai 4, mở cửa đến 0 giờ hằng ngày.
Miếu Khẩu là nơi có phòng triển lãm các món ăn của chợ đêm Cơ Long, mở cửa quanh năm cho khách tham quan. Nơi đây trưng bày nhiều món ăn làm từ gạo, bột mì, đậu, hải sản, thịt, món tráng miệng và đồ đông lạnh.
Ding bian cuo là món Hiếu hứng thú nhất, bởi đặc sản của TP Cơ Long có cách chế biến độc đáo.
Taste Atlas, chuyên trang ẩm thực thế giới, giới thiệu súp ding bian cuo gồm những miếng bột gạo nấu trong nước súp thịt và hải sản, là món ăn không nên bỏ lỡ ở chợ đêm MiaoKou. Điểm độc đáo của món ăn này là hỗn hợp bột gạo được phết lên thành nồi nấu súp và hấp trong vài phút. Đợi chín, người nấu dùng dụng cụ nạo bột rơi xuống nước súp. Trong nồi còn có các nguyên liệu khác như măng, tôm, thịt lợn, bắp cải, nấm và chả mực.
Hiếu cho rằng đây là một món dễ ăn, không dầu mỡ. Bột mềm, nước dùng trong, vị thanh ngọt, thoảng mùi thơm của hải sản.
Trở lại Đài Bắc, khách Việt ghé thăm chợ đêm Ximending (Tây Môn Đinh), khu vực nhộn nhịp nhất TP Đài Bắc.
Nằm giữa chợ và nổi bật với dòng người xếp hàng dài là tiệm trà sữa Xing Fu Tang. Khách có thể thấy quy trình làm một ly trà sữa, đồ uống đặc sản của Đài Loan. Vị trà sữa theo Hiếu ít ngọt nhưng béo. Một ly trà sữa có giá 150 tân Đài tệ, khoảng 120.000 đồng.
Khách đến cửa ngoài thử vị trà sửa nổi tiếng còn vì tò mò xin xăm (quẻ) ngay trước cửa hàng.
Mỗi khu chợ đều có món đặc sản riêng, chủ yếu là các món ăn vặt truyền thống. Trải nghiệm xem chế biến và ăn tại chỗ mang đến cảm giác mới lạ. "Nếu muốn tìm hiểu về Đài Loan, du khách nên bắt đầu từ chợ đêm", Hiếu nói.
Ảnh: NGUYỄN TRẦN HIẾU
-
12 cung hoàng đạo nên đi đâu du lịch năm 2024?
-
HOÀNG NGUYÊN TOURIST - CN HÀ NỘI TUYỂN DỤNG NĂM 2024
-
Nghề dự báo... mùa hoa anh đào
-
"Quy tắc ngầm" ít người biết khi ăn sushi ở Nhật
-
48 giờ ở Busan
-
Đi du lịch Fukushima, điểm hẹn nên tới một lần trong đời
-
Bí quyết nhập cảnh Jeju, Hàn Quốc dễ dàng
-
Lý do nên du lịch Thượng Hải mùa xuân
-
Săn hàng ở phố điện tử lớn nhất Nhật Bản
-
6 điểm tham quan ở Thổ Nhĩ Kỳ nhất định phải tới